8 min read

🌱 7 bài học tôi ước mình biết được khi bắt đầu thiết kế

7 năm làm design không phải quá dài. Nhưng có nhiều điều nếu mình biết sớm hơn thì đã giúp mình trở thành một designer tốt hơn bây giờ.

Nhận bài viết tương tự qua email vào thứ 7 hằng tuần

1. Học code

Đã có quá nhiều bài viết về chủ đề designer có nên biết code hay không. Nhiều người bảo không cần thiết, designer thì nên tập trung vào chuyên môn của mình là design, code để developer lo.

Người khác thì cho rằng nó rất cần thiết. Vì designer cần hiểu cách hoạt động của ứng dụng mới thiết kế tốt được.

Ở đây mình không muốn bàn về việc nên biết code hay không. Nhưng hãy nghĩ như thế này…

Trong team của bạn, bạn đang làm việc với ai để build sản phẩm? Product Designer thì phải làm việc với: Product Manager, QA, Data Analyst, Back-end Developer, Android Developer, iOS Developer, Web Developer,… Mình dám chắc là một nửa team của bạn là developer.

Vậy làm sao chúng ta có thể thuyết phục được developer tin vào thiết kế của mình mà không có kiến thức cơ bản về code?

Bạn càng biết nhiều về code thì càng tốt. Nhưng biết căn bản để dễ dàng nói chuyện với developer là đủ.

Ngoài ra 🤫 , nếu bạn đã không ngại code, thì mình chắc rằng bạn sẽ rất có động lực làm ra những sản phẩm cho riêng mình. Mình sẽ chia sẻ thêm về chủ đề này qua một bài viết riêng.

2. Học cách viết

Viết cũng là một phần của thiết kế, như mình đã nhắc đến khá nhiều lần  ở blog cá nhân của mình trên trongnguyen.co

Hãy lấy Facebook làm ví dụ. Hãy thử che hết chữ trên app, còn lại bạn thấy gì?

Facebook screenshot by Anh Pham

Hơn 50% giao diện là chữ. Nếu bạn bỏ chúng đi, sẽ không còn lại gì nhiều. Vậy nên nếu bạn không quan tâm đến con chữ, thiết kế của bạn sẽ dễ dàng thất bại.

Nhưng điều quan trọng hơn, viết là vũ khí lợi hại cho designer, là một phần quan trọng trong quá trình thiết kế.

Là một product designer thì bạn sẽ quen với khái niệm wireframe. Thường thì đây là một công cụ để chúng ta bắt đầu thiết kế. Nhưng đây thật sự không phải là công cụ lý tưởng để chúng ta bắt đầu.

Có một cái bẫy chúng ta hay bị mắc vào khi làm wireframe. Đó là chúng ta quá chú ý vào những chi tiết nhỏ, hình tròn, hình vuông, layout,… Đặc biệt là khi làm wireframe trên máy tính.

Nhưng nếu chúng ta dừng lại một chút, lùi lại một bước và nghĩ về vấn đề mà chúng ta đang giải quyết là gì. Chúng ta sẽ có nhiều hướng khác nhau để khám phá hơn. Và vì thế, những ý tưởng cũng đa dạng hơn.

Vì nếu bạn làm product designer, đặc biệt là một senior, bạn là người xác định vấn đề và đề xuất ý tưởng. Chứ không phải là bạn sẽ giải quyết dựa trên vấn đề đã được xác định sẵn. Đây cũng chính là sự khác nhau giữa Junior và Senior.

Như bất kỳ câu chuyện nào, nó đều có mở đầu, thân bài và kết luận. Trong thiết kế thì chúng ta có vấn đề, phương án và CTA (aka: Call To Action).

Ngày mà mình trở thành một designer tốt hơn là ngày mà mình bắt đầu viết.

3. Hãy lên tiếng

Nói lên tiếng nói của bạn.

Hầu hết những designer mà mình biết đều chia sẻ rằng họ là người sống nội tâm (introvert): ít nói, thích lắng nghe và thích lẳng lặng mà làm. Và nghĩ rằng thiết kế của mình sẽ là lời giải thích tốt nhất.

Nhưng đây là sai lầm lớn nhất mà mình mắc phải. Đặc biệt là khi làm với nhiều designer khác và phải làm với nhiều team khác nhau. Mình đã nhận lấy sự thiệt thòi từ việc im lặng.

Là một designer, bạn phải thuyết phục mọi người tin vào thiết kế và giải pháp của mình. Những bản phác thảo là không đủ để mọi người tin được. Nên bắt buộc bạn phải nói lên tiếng nói của mình.

Điều đó không có nghĩa là bạn phải hét lên thật to để ai cũng nghe thấy. Nói không phải là cách duy nhất để giao tiếp. Ngôn ngữ cơ thể là một cách, viết cũng là một cách giao tiếp quan trọng.

Hãy tận dụng mọi cơ hội để nói lên tiếng nói của mình: nói hay nhắn tin, viết email hoặc viết document. Hãy chọn một cách thức phù hợp với bạn. Chúng ta cũng không cần thiết phải giỏi ở tất cả mọi khía cạnh của giao tiếp.

4. Phải tự tin hơn

Đi kèm với tiếng nói, sự tự tin là điều tối quan trọng.

Tự tin sẽ cho chúng ta sự dũng cảm để nói với mọi người rằng tại sao chúng ta xứng đáng, tạo sao nên tin vào thiết kế của mình, và họ sẽ mất gì khi mà không làm việc cùng chúng ta.

Đây là điều mà ở trường kỹ thuật chúng ta rất ít được dạy (mình không biết trường thiết kế thì như thế nào vì mình chưa thử). Nên khi đi làm, chúng ta thường bị lép vế và những ý tưởng của chúng ta thường bị chìm nghỉm giữa sự tự tin của những người làm business hoặc marketing.

“Fake it till you make it” dễ nói nhưng khó làm. Nhưng nếu bạn không tự tin vào thiết kế của mình thì ai đây?

5. Chia sẻ WIP (Work In Progress)

Chia sẻ thiết kế của bạn cho những designer khác và đồng đội sớm hơn. Những feedback bạn nhận về cũng sẽ sớm hơn,  dễ điều chỉnh hơn và đỡ tốn thời gian hơn.

Không có một thiết kế nào là hoàn hảo trong lần chia sẻ đầu tiên cả. Một thiết kế tốt sẽ phải được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau thông qua nhiều lần chỉnh sửa (iteration).

Bạn càng dành nhiều thời gian cho thiết kế, bạn sẽ càng yêu nó. Nên sẽ rất khó mà tha thứ cho những ai chê thiết kế của bạn. Và sẽ càng khó khăn hơn khi phải thay đổi.

Đây gọi là hiệu ứng IKEA. IKEA luôn bán những sản phẩm bằng cách tách ra từng bộ phận riêng lẻ và để khách hàng tự lắp ráp. Và người ta thấy rằng khi khách hàng càng dành nhiều thời gian lắp ráp, họ càng yêu thích sản phẩm hoàn thành.

Designer cũng vậy, khi mà chúng ta càng dành nhiều thời gian cho một phương án thiết kế, chúng ta càng yêu nó hơn. Nên sẽ khó mà chấp nhận những nhận xét tiêu cực. Mặc dù chúng ta biết rằng, những nhận xét đó giúp cho thiết kế của chúng ta tốt hơn.

Vậy nên hãy chia sẻ thiết kế của mình sớm hơn, khi đó chỉ là những gì bạn ngoệch ngoạc trên giấy trắng hay những wireframe căn bản hoặc một thiết kế khá-xấu-vừa-phác-thảo.

Khi làm như vậy, chúng ta sẽ cởi mở hơn với những ý kiến từ đồng đội hơn.

6. Imposter Syndrome là chuyện thường ở phường

Imposter Syndrome, dịch nôm na là hội chứng kẻ mạo danh, là một cảm giác khi bạn thấy con người của bạn không giỏi như cách người khác nhìn nhận bạn.

Ví dụ như khi bạn được tuyển vào làm việc ở một công ty lớn. Ngày đầu đi làm bạn toàn gặp những người giỏi, tham gia những cuộc họp mà mình không thể hiểu được chữ nào. Khi đó bạn sẽ thấy sao mình thấp bé và kém cỏi như vậy, và không biết vì sao mình lại được tuyển. Và rồi bạn sợ bạn không giỏi như bạn nghĩ…

Đó là Imposter Syndrome.

Và sự thật là nó… khá là bình thường. Rất nhiều người gặp phải hội chứng này, bạn không một mình. Từ những người mới đi làm cho đến những người có thâm niên chuyển qua một chỗ làm mới.

Hãy xem đó là chuyện bình thường. Hãy kiên nhẫn và cho bản thân thời gian để làm quen với môi trường mới. Không có gì phải vội cả.

7. Tìm kiếm sự phê bình

Là một designer, chúng ta cần những nhận xét.

Những nhận xét mang tính xây dựng cho những sản phẩm thiết kế là cách tốt nhất để phát triển. Học cách tìm kiếm sự phê bình. Và đừng để nó vào tim.

Rất nhiều người xem thiết kế của mình như chính là con người của mình. Điều này không xấu. Nhưng khi bạn quá lẫn lộn hai cái là một, sẽ rất khó khăn để nghe những ý kiến trái chiều cho thiết kế của bạn. Chính vì vậy nó sẽ làm giảm hiệu quả của việc cộng tác với người khác.

Nhưng khi bạn xem công việc như một task phải hoàn thành, thì bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận những đánh giá khách quan từ người khác hơn.

‘Bạn nên xem sự phê bình giống như một cuộc điều tra hoặc khám phá hơn là kết luận’
— Mike Davidson (cựu VP of Design ở Twitter)

Đó là những điều tôi ước mình nhận ra sớm hơn. Nếu bạn đọc được những dòng này thì hẳn bạn đã may mắn hơn mình rất nhiều.

Chúc bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn bạn trong quá khứ.

Và nếu bạn thấy bài viết này hay và hữu ích, subscribe để nhận những bài viết mới nhất qua email. Và hãy chia sẻ cho người người cần nhé.

Product design và tùm lum

Nhận bài viết mới nhất qua email hằng tuần để trở thành UI/UX & Product Designer tốt hơn.