5 min read

👁 Kỹ năng đầu tiên một product designer cần phải có

Con người thích ứng với những thứ hằng ngày rất nhanh và nhiều thứ trở thành ‘vô hình’. Công việc của bạn là nhìn ra được những điều đó, cảm nhận và cải thiện chúng.
👁 Kỹ năng đầu tiên một product designer cần phải có

Tuần vừa rồi mình có xem lại TedTalk của Tony Fadell với chủ đề “The first secret of great design” mà mình thấy vô cùng hay. Bài nói nhắc nhở mình về một điều mà tất cả các product designer bắt buộc phải có.

Hãy để mình kết tinh lại bài học từ Tony Fadell.

Bạn đã bao giờ đi mua táo ở siêu thị chưa? Nếu có thì bạn sẽ để ý thấy trên mỗi quả táo đều có một miếng dán trên đó. Để làm gì vậy?

Credit: ted.com

Để chúng ta có thể dễ dàng thanh toán ở quầy. Mỗi miếng dán là một mã vạch, đôi khi kèm với tên loại táo và vài dòng chữ về chất lượng. Thu ngân dễ dàng quét mã vạch của quả táo như bao đồ dùng khác.

Đó là một ý tưởng tốt đúng không? Chúng ta có thể dễ dàng vào cửa hàng, mua, quét mã, thanh toán và rời cửa hàng một cách nhanh chóng.

Nhưng có một vấn đề mới xuất hiện.

Khi bạn trở về nhà và cảm thấy đói. Bạn mở tủ lạnh và thấy những quả táo đỏ mọng. Bạn chộp lấy nó, cắn một miếng và ăn một cách ngon lành. Nhưng bạn lại phát hiện có gì đó là lạ trong miệng mà không phải táo. Một miếng dán?!

Bạn sẽ rất bực bội vào lần đầu tiên.

Đến lần thứ hai, trước khi cắn, bạn sẽ để ý kỹ càng xem miếng dán đó ở đâu và sẽ bóc nó ra để bạn không còn phải ăn phải nó nữa. Đến lần thứ mười, bạn sẽ đỡ phàn nàn hơn. Đến lần thứ một trăm, bạn không cần bận tâm tới việc đó nữa, việc gỡ miếng dán trước khi ăn táo trở thành một việc không cần phải suy nghĩ.

Người ta gọi đó là ‘như một thói quen’. Đó là một điều tốt, là cách thích ứng của bộ não để giảm bớt tiêu hao năng lượng vào những việc lặp đi lặp lại và tập trung năng lượng cho những vấn đề khác. Đó là sự hình thành của thói quen.

Nhưng đôi khi, thói quen lại là điều xấu. Nó ngăn cản chúng ta chú ý đến những vấn đề xảy ra quanh. Và khi chúng ta không phát hiện ra vấn đề thi chúng ta không thể giải quyết nó.

Đối với product designer và những người khởi nghiệp, công việc của bạn không chỉ là phát hiện ra các vấn đề mà còn tiến một bước xa hơn nữa, đó là giải quyết vấn đề.

Mary Anderson, một người mà bạn chưa bao giờ nghe tên, là một người đáng để chúng ta học theo.

Vào năm 1902, cô ấy đến thăm New York. Ngoài trời tuyết rơi lạnh, ẩm ướt còn cô ấy thì ấm áp bên trong một chiếc xe.

Trên đường đi, cô thấy người tài xế mở chiếc cửa sổ ra để dọn tuyết bám lên cửa kính xe để có thể lái xe an toàn hơn. Khi cửa sổ mở, tuyết bên ngoài thổi vào làm cho những hành khách khác lạnh cóng.

Với những hành khách khác, họ sẽ nghĩ “Bình thường thôi mà, anh ta phải mở cửa để lâu nó”. Nhưng với Mary thì khác. Cô ấy nghĩ: “Sẽ ra sao nếu người tài xế có thể lau kính chắn gió từ bên trong để anh ta lái xe an toàn hơn, và hành khách cũng được giữ ấm?”

Cô ấy ngay lập tức lấy cuốn sổ của mình ra và vẽ một vài phác họa. Bản vẽ đó đã trở thành cần gạt kính đầu tiên trên thế giới.

Là một product designer, mình cố gắng học từ những người như Mary, đó là nhìn ra những vấn đề vô hình mà gần như không ai thấy.

Người ta sẽ nói đây là một kỹ năng trời phú, có thể trời phú cho Mary khả năng đó. Nhưng đối với hầu hết product designer, chúng ta đều phải luyện tập.

Tony Fadell chia sẻ rằng khi ở Apple, Steve Jobs luôn thử thách mọi người đến làm việc mỗi ngày, để nhìn sản phẩm qua con mắt của khách hàng, đặc biệt là những khách hàng mới.

Rằng họ không phải đang thiết kế iPod cho chính mình, họ đang tạo ra sản phẩm cho những người chưa bao giờ trải nghiệm nó. Đó là những người có những nỗi sợ và hy vọng những sản phẩm công nghệ mới sẽ giúp ích ngay lập tức cho họ.

Steve Jobs gọi nó là ‘staying a beginner’. Trải nghiệm mọi thứ dưới con mắt của một người lần đầu tiên. Hay một cách nói khác là hãy suy nghĩ như một đứa trẻ (think younger).

Chúng ta trải nghiệm càng nhiều thì chúng ta sẽ dần quen với việc đó. Giống như bạn ở một nơi quá lâu, bạn sẽ không thấy vẻ đẹp xung quanh nhưng những đứa trẻ thì không như thế. Chúng sống chưa đủ lâu để làm quen hết mọi chuyện.

Nếu bạn là một người trẻ và mới bắt đầu sự nghiệp, hãy xem đó như một món quà. Những suy nghĩ mới và những phát hiện mới từ góc nhìn của bạn là vô cùng quý giá. Hãy tự tin chia sẻ suy nghĩ của mình.

Còn những người đã có thâm niên trong công việc thì sẽ thật tuyệt vời nếu bạn giữ được những suy nghĩ trẻ trung (young minds). Nếu không, bạn nên làm cùng với những người trẻ. Bởi vì khi chúng ta có những cái đầu trẻ trung đó trong đội, họ có thể làm cho mọi người trong phòng suy nghĩ trẻ trung hơn.

Picasso từng nói nói:

“Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào duy trì được con người nghệ sĩ ấy khi chúng lớn lên”.

Chúng ta nhìn thấy mọi thứ rõ hơn khi nhìn thấy lần đầu tiên.

Hãy luôn suy nghĩ như những người mới bắt đầu. Biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ giải quyết được vấn đề quan trọng mà không ai thấy được.


Product design và tùm lum

Nhận bài viết mới nhất qua email hằng tuần để trở thành UI/UX & Product Designer tốt hơn.