14 min read

👨‍🎨 Ăn cắp như một nghệ sỹ: 10 điều chưa nói về sáng tạo

Những lời khuyên về sáng tạo tưởng chừng rất dở hơi, nhưng lại vô cùng bổ ích và thú vị từ cuốn sách Steal like an artist
👨‍🎨 Ăn cắp như một nghệ sỹ: 10 điều chưa nói về sáng tạo

Sao hè! Lâu lắm rồi mới ngồi viết review một cuốn sách. Hãy xem nó thành cái gì đây! Tựa sách mang tựa đề: Steal like an artist của Austin Kleon, dịch nôm na ra là Ăn cắp “như một nghệ sỹ”.

Tựa đề chắc có lẽ hơi sốc đối với một số người nhỉ. Nhưng bạn biết gì không, Pablo Picasso có một câu nói nổi tiếng như thế này: “Art is theft”.Theo mình dịch nôm na ra là: “Nghệ thuật là ăn trộm”.

Nhận bài viết tương tự qua email vào thứ 7 hằng tuần

Mình tình cờ phát hiện ra cuốn sách này khi đang thang lang trên Medium, đọc về UX, creative, web và mình chợt nhận ra rằng, dường như mình đã quên đi việc làm nghệ thuật trước đây là của mình (thực chất cũng không gọi là nghệ thuật thì mà chỉ là làm film, animation, photography, design đua đòi). Kể cả khi những việc đó không phải là nghệ thuật khỉ gì, nhưng đó là những niềm vui nho nhỏ mà mình đã bỏ quên trong vài tháng trở lại đây, riêng animation thì chắc cũng gần 2 năm rồi chưa đụng lại vào.

Vậy đấy, cuộc đời sẽ đưa đẩy mình đi xa đến đâu nữa đây. Nhưng khi đọc được cuốn sách này, cái niềm vui nho nhỏ ấy như lũ lượt ùa về. Và, thật sự, mình muốn làm về sáng tạo.

Cuốn sách rất ngắn và rất dễ đọc, chắc có lẽ chỉ mất vài giờ thôi để đọc nhưng nó thật sự làm cho mình thấy có hứng thú trở lại với design, animation. Nếu bạn làm trong lĩnh vực sáng tạo (vẽ, viết, múa, hát) thì đây là cuốn sách nên đọc mỗi khi xuống tinh thần.

Austin chỉ cho chúng ta 10 điều chưa nói về sáng tạo. Có những điều tưởng chừng như rất dở hơi, nhưng mà nó bổ ích thật! Mình sẽ tổng hợp 10 lời khuyên mà Austin muốn nói trong cuốn sách này một cách ngắn gọn nhất có thể:

1. Ăn cắp như một nghệ sĩ

Nó mở đầu với một đoạn đối thoại ngắn cũn như thế này: Câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ được hỏi: “Ý tưởng từ đâu tới vậy?” Hoạ sỹ thành thật sẽ trả lời như thế này: “Tôi cướp nó”

Những nghệ sỹ nhìn thế giới như thế nào? Đầu tiên, bạn phát hiện ra những cái có giá trị để cướp, sau đó, tìm một cái khác, để cướp tiếp. Đó là tất cả. Austin cung khẳng định rằng: Không có gì là nguyên gốc cả. Những nghệ sỹ tốt sẽ hiểu rằng không có thứ gì đến từ hư vô. Tất cả được xây dựng từ những cái đã có trước đó.

Tác gia người Pháp André Gide nói rằng: “Những thứ cần được kể đã được kể trước đây rồi. Nhưng khi mà không có ai lắng nghe, mọi chuyện phải được kể lại”.

Có rất nhiều câu nói hay trong cuốn sách này đáng được in ra và dán lên tường, có một câu nói rất ấn tượng, và chắc có lẽ là một lời khuyên mà mình rất thích ( có lẽ mình nên để nguyên bản chứ không nên dịch ra :D).

“Steal from anywhere that resonates with inspiration or fuels your imagination. Devour old films, new films, music, books, paintings, photographs, poems, dreams, random conversations, architecture, bridges, street signs, trees, clouds, bodies of water, light and shadows. Select only things to steal from that speak directly to your soul. If you do this, your work (and theft) will be authentic.”
— Jim Jarmusch.

2. Đừng đợi cho đến khi bạn biết mình là ai rồi mới bắt đầu.

Bạn sẽ mãi ngồi tại chỗ nếu cứ chờ đến khi biết mình là ai rồi mới bắt đầu. Sự thật thì, bạn sẽ khám phá ra bạn là ai khi mà bạn làm. “Fake it ‘till you make it” Đây là câu mà mình rất thích trong cuốn sách này “Cứ đạo cho đến khi bạn tạo ra nó”. Và câu này nữa:

“Start copying what you love. Copy copy copy copy. At the end of the copy you will find your self.”
— Yohji Yamamoto

Ơ! Dường như cả thế giới này đang đua nhau copy vậy. Ngay cả Yohji Yamamoto - Nhà thiết kế thời gian nổi tiếng của Nhật Bản - cũng bảo vậy là sao?

Haha, sai rồi, ý của Austin muốn nói ở đây là về việc luyện tập chứ không phải đạo văn, đạo nhạc, đạo tất cả các thể loại. Copy ở đây có nghĩa là đảo ngược kỹ thuật, giống như tách từng phần của chiếc ô tô ra để xem nó hoạt động như thế nào. Nhưng làm thế nào mới là copy thật sự?

Trước hết chúng ta phải tìm ra ai là người để copy, tiếp theo là xác định mình sẽ copy cái gì! Tìm người mà bạn thích, hâm mộ (một nghệ sỹ, một nhà thiết kế, một siêu anh hùng - tại sao không :D).

“Nếu bạn chịu ảnh hưởng của một người, thì người ta sẽ gọi bạn là người đó kế tiếp (ví dụ: Công Phượng được xem như Messi của Việt Nam chẳng hạn), nhưng nếu bạn tổng hợp lại từ 100 người, thì người ta sẽ gọi bạn là ”Wow! Chất quá””.
– Nhà làm film hoạt hình Gary Panter.

Việc xác định ai để copy là dễ. Việc xác định copy những gì mới là khó. Không chỉ copy phong cách của người ta, chúng ta phải đánh cắp suy nghĩ của họ đằng sau cái phong cách ấy. Bạn không phải muốn NHÌN giống như anh hùng của mình, mà bạn muốn giống anh hùng của mình.

3. Viết cuốn sách bạn muốn đọc

Câu hỏi thường xuyên của những người viết trẻ: “Tôi nên viết gì bây giờ”. Câu trả lời thường được đưa ra là “Viết những gì bạn biết”. Nhưng Austin nói rằng đây là một chỉ dẫn tệ hại, việc này sẽ tạo ra những bài biết chẳng có gì là thích thú. Vậy lời khuyên là gì? Viết những gì bạn thích.

Nếu mà không có lời khuyên này thì chắc mình không viết được đoạn review này đâu. Mình không rành về viết lắm, từ lúc bé đến cấp 3, môn văn của mình luôn dưới 6.5. Thật tệ hại đúng không nhỉ? Nhưng giờ mình viết tốt hơn so với mình khi xưa rồi.

Mình rất thích đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách nói về sáng tạo, và đó là lý do vì sao mình viết cái này. Mục đích là mình muốn ghi nhớ là những bài học hay trong cuốn sách, và cũng muốn viết một cái gì đó để sau này đọc lại. Chắc sẽ thú vị lắm đây!

4. Sử dụng đôi tay của bạn

Trời ạ. Lời khuyên này cứ như chọc vào nỗi đau của mình vậy! Bản thân là một thằng làm về công nghệ thông tin, suốt ngày ngồi với chiếc máy tính. Vậy mà ổng lại khuyên mình rời xa cái máy tính yêu quý của bạn. Những gì mình yêu quý, thích, yêu say đắm thì phải luôn ở gần chứ? Hix!

Nhưng bạn biết đó, ngồi cả ngày trước màn hình vi tính sẽ giết chết sự sáng tạo của bạn. Máy tính thật sự rất thích hợp cho việc biên tập, nó rất là tốt cho việc chuẩn bị ý tưởng để xuất bản chúng, nhưng thật sự nó không tốt cho việc sản sinh ý tưởng.

Mình rất thích ý này của Austin, và đây cũng là điều mình học được từ rất nhiều lời khuyên làm thế nào để trở nên sáng tạo hơn. Đa số các ý tưởng đến từ những cây bút chì, những cuốn notebook cũ kỹ.

“Art that only comes from head isn’t good enough. In the digital age, don’t forget to use your digits”
– Lynda Barry.

Nhưng sự thật thì rất khó mà không bị cám dỗ bởi cái màn hình chết tiệt với bao nhiêu điều thú vị thật. Một lời khuyên mà Austin dành cho chúng ta là nếu có thể, hãy tách không gian làm việc của bạn thành 2 phần, 1 phần dành cho việc làm việc với máy tính, màn hình điện tử. Và một dành cho việc sản sinh ý tưởng với giấy, bút, những công cụ “tươi”.

5. “Side project” và sở thích là điều quan trọng

"The work you do while you procrastinate is probably the work you should be doing for the rest of your life.”
— Jessica Hische

“Side project” ở đây có nghĩa là những dự án bạn làm sau giờ làm việc, làm chỉ cho vui và làm chỉ vì sở thích. Mình hoàn toàn đồng ý với ý tưởng này của Austin. Có thể bạn đang có một công việc không yêu thích, phải làm để sống, không có nghĩa là bạn từ bỏ đam mê của bạn. Bạn vẫn phải làm công việc không yêu thích kia, và cũng hãy tiếp tục làm những việc bạn yêu thích sau giờ làm việc. Rồi đến một ngày nào đó, những công việc này sẽ là công việc bạn sẽ làm trong cuộc đời còn lại của mình.

Cũng chẳng sao nếu bạn buồn chán và chẳng làm được việc gì. Đó cũng là một cách để sản sinh ra những ý tưởng hay.

“Avoiding work is the way to focus my mind.”
— Maira Kalman

Ngoài những “side project” thì Austin cũng khuyên chúng ta nếu có quá nhiều sở thích thì cũng không nên chỉ lựa chọn một trong số chúng. Chúng ta hoàn toàn có thể giữ và nuôi nấng những sở thích đó chung với nhau.

6. Làm tốt công việc của bạn và chia sẻ với mọi người

Điều thú vị ở đây là Austin có cùng quan điểm với Paul Javis - một tác giả khác với cuốn sách nổi tiếng “How to be creative”. Không có công thức bí mật nào để trở nên nổi tiếng cả, nhưng có một công-thức-không-quá-bí-mật: Làm tốt công việc của bạn và chia sẻ nói với mọi người.

Nó gồm 2 giai đoạn: làm tốt và chia sẻ. Làm thế nào để làm tốt? Không có con đường tắt nào cả, làm nó mỗi ngày. Sẽ có lúc bí, cắn bút, chẳng biết làm gì nữa, thất bại, làm tốt hơn.

Chia sẻ nó với mọi người. Ngày nay với internet, không khó để chia sẻ. Nhưng Austin chỉ cho chúng ta một cách như thế này:

  1. Tự thắc mắc về vấn đề nào đó.
  2. Mời mọi người cùng thắc mắt với mình. Dễ phải không nào!

7. Địa lý không còn là vấn đề

Có một lời khuyên như thế này: Bạn là trung bình cộng của 5 người thân thiết với bạn nhất. Sự thật thì đúng như vậy đấy. Nếu chúng ta muốn giỏi, chúng ta phải tìm 5 người giỏi hơn mình và ở bên cạnh những người đó. Nhưng thật khó để tìm được 5 người giỏi quanh mình, nếu có thì thật là tốt, nếu không tìm được những người như vây quanh mình, tại sao không tìm trên internet?

Khoảng cách địa lý không còn là quan trọng nữa. Có một lời khuyên mình rất thích trong phần này là xây dựng một thế giới riêng cho bạn. Bao quanh mình những thứ mà bạn thích, sách, bút, những bức tranh, ảnh, âm nhạc.

Bạn cũng có thể tạo ra thế giới riêng của mình bằng cách tìm về với thiên nhiên. Sau giờ làm việc, hãy đi dạo, ra bờ biển, không máy tính, điện thoại, chỉ cần ngồi yên một chỗ. Thưởng thức sự cô đơn và sự giam cầm tạm thời. Ngoài ra, du lịch là một cách để kích thích sự sáng tạo nữa đấy.

“Khoảng cách và sự khác biệt là liều thuốc bổ bí mật của sáng tạo. Khi bạn về nhà, nhà vẫn là nhà. Nhưng cái gì đó thay đổi trong đầu của chúng ta, và việc đó thay đổi tất cả mọi thứ.”
— Jonah Lehrer

Chúng ta phải làm mới cái đầu của chúng ta. Du lịch sẽ làm cho thế giới trở nên mới mẽ, và khi thế giới mới mẽ, đầu của chúng ta sẽ làm việc tốt hơn.

8. Hãy tử tế (thế giới này là một thị trấn nhỏ)

Thế giới này nhỏ lắm, nên, bắt buộc, bạn phải tốt với những người xung quanh. Quanh đi quẩn lại, thế giới này chỉ có 50 người thôi (một bài học từ cuốn sách Nếu tôi biết được khi còn 20 - Tina Seelig)

“There’s only one rule I know of: You’ve got to be kind.”
—Kurt Vonnegut

9. Buồn chán đi!

Nghe mà buồn cười, như nó đi tiêu đề chương đi kèm với một câu: Cách duy nhất để hoàn thành công việc”. Có rất nhiều lời khuyên mà mình rất thích trong chương này, điều mình thích nhất là việc giữ bên mình một cuốn sổ, ghi chú những điều thú vị bạn đã trải qua, chỉ là những chi tiết nhỏ, vụt vặt mỗi ngày thôi, nhưng những cái nhỏ này giúp ta hình dung được cái vĩ đại.

Giữ công việc chính của mình: Sự thật là thậm chí nếu bạn có thể sống với công việc mà mình thật sự thích thì cũng phải mất một khoảng thời gian để tìm được việc đó. Cho đến lúc đó, bạn vẫn cần phải giữ công việc ban ngày của mình. Công việc này giúp bạn tạo ra tiền, kết nối với thế giới, thói quen. Bạn cũng có thể “cướp” những từ những nơi bạn làm việc như vậy nữa.

10. Sáng tạo là sự loại bỏ

Lời khuyên cuối cùng và rất đơn giản: Làm sáng tạo với những gì bạn đang có, không trông chờ đến khi mình có đủ công cụ, thời điểm mới làm, khi chúng ta đến với sáng tạo, giới hạn chính là tự do.

“Telling yourself you have all the time in the world, all the money in the world, all the colors in the palette, anything you want—that just kills creativity.”
— Jack White

Riêng với mình, rất rất nhiều lúc mình nghĩ đến khi nào mình có máy ảnh cơ mình mới chụp đẹp được, đến khi nào có máy Mac retina mình mới thiết kế đẹp được. Và đến khi mình có tất cả, mọi thứ vẫn thế, mà có lẽ như sức sáng tạo của mình đã giảm hơn trước khi có những thứ này. Dường như điều này như “xát muối vào tai” mình vậy! Nhưng phải thừa nhận rằng, giới hạn sẽ kích thích sự sáng tạo.

Và một số bài tập cho những người sáng tạo nhưng đang “chờ” để có dịp sáng tạo: Hãy vẽ một bức tranh với một màu, chụp những bức ảnh với chiếc điện thoại hiện có, làm một bộ film với chiếc iPhone và chỉ một vài người bạn… Làm đi, đừng chờ nữa, những thứ đó sẽ đến đấy, và lúc đó, bạn sẽ chờ những thứ khác nữa… Chờ đến khi sự sáng tạo trong bạn không còn nữa!

Và một điều nhắn nhủ cuối cùng của Austin: Sáng tạo không phải là việc chúng ta bỏ thứ gì vào, mà là việc chúng ta chọn cái gì để bỏ đi.

Hi vọng cuốn sách này sẽ giúp cho những ai muốn lao vào con đường sáng tạo có những cách thức rõ ràng hơn, những ai đang gặp vấn đề về sáng tạo (như mình) sẽ có cảm hứng và vật dậy tinh thần. Sáng tạo thôi!


P/S: Mình xin chia sẻ một số cuốn sách rất hay về sáng tạo mà mình đọc được, có một số có thể mua ở hiệu sách, một số có thể mua trên Amazon (nếu bạn có tiền), còn nếu không có tiền như mình, với những cuốn sách bán trên Amazon thì search để đọc “free” (mọi thứ đều có trên internet đấy, tin mình đi!).

  • Một nửa của 13 là 8 - Jack Foster
  • Phớt Lờ Tất Cả Và Bơ Đi Mà Sống - Hugh Macleod
  • Ý tưởng này là của chúng mình - Huỳnh Vĩnh Sơn
  • The good creativity - Paul Javis
  • It’s not how good you are, it’s how good you want to be - Paul Arden
  • Whatever you think, this the opposite - Paul Arden

Product design và tùm lum

Nhận bài viết mới nhất qua email hằng tuần để trở thành UI/UX & Product Designer tốt hơn.