🚏 Ba cột mốc quan trọng của một phần ba chặng đường
Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao lại là tôi của hiện tại mà không phải là một tôi khác nào đó. Chẳng hạn như tôi quậy phá và cứng rắn tôi vô tư và hồn nhiên hoặc tôi cao-to-đen-thơm.
Chắc có lẽ đang ở một phần ba buộc đời thì hiếm mà ai có thể chắc chắn về cả cuộc đời được. Đây là giai đoạn bấp bênh, nhiều suy nghĩ và mông lung. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn đang sống. Bạn không một mình, nhiều người khác cũng tương tự như thế.
Tuy vậy, tôi của ngày hôm nay là cả một sự cố gắng và nỗ lực của một hành trình không quá ngắn. Và có một số cột mốc đáng nhớ đã góp phần tạo nên tôi hôm nay.
Lớp 3, cú tét đít khá đau của thầy giáo.
Đó sự trừng phạt của thầy dành cho tôi khi không làm bài tập toán về nhà. Thầy giáo tôi, thầy tên Tính, bảo tôi đưa vở cho thầy kiểm tra, và tôi đã không làm bài. Vì tôi không biết làm, và quan trọng hơn vẫn là vì tôi làm biếng. Vì tôi thấy rằng thầy là một người khá hiền và dễ tính, tôi chưa bao giờ thấy thầy đánh học trò.
Như thế thì sao mà tôi có động lực để làm bài về nhà được?! Nhưng thầy đã chứng mình là tôi đã sai, rằng thầy sẵn sàng trừng phạt những đứa lười biếng, tôi là một ví dụ.
Không biết thầy là một ông phù thủy tốt hay xấu, không biết ông đã niệm phép gì vào cây thước đó. Nhưng sau khi cảm nhận được sự ê ẩm ở mông, nó lan lên đến tận đầu. Nó đánh vào các dây thần kinh biếng, nhác và chuyển hoá thành dây siêng năng.
Có thể tôi đã miêu tả hơi quá (fan ruột của Marvel mà!) nhưng kể từ đó, tôi đã thay đổi một cách rất mạnh mẽ. Tôi bắt đầu làm bài tập về nhà đều đặn hơn, tôi tập trung vào các tiết học hơn. Và từ đó, việc học của tôi đã tiến bộ rõ rệt.
Năm 2 đại học, tiếp xúc với những luồng tư tưởng mới và gia nhập Ban đại diện sinh viên KTX.
Trước thời gian này, tôi là con người của sự siêng năng và cần cù, thích ở trong phòng và học (kết quả của cây thước thần kì). Nhưng vào một buổi tối cuối năm nhất, tôi đã thay đổi. Một anh học năm 4 bắt chuyện với tôi, trông anh là một người khá sôi động và có sức thuyết phục. Tôi không nhớ anh đã nói gì với tôi nhưng tôi đã đồng ý năm sau chuyển sang ở cùng phòng KTX với ảnh và một số bạn khác.
Vậy là bắt đầu từ năm 2, bọn tôi ở cùng nhau, rất nhiều tư tưởng mới cùng những hoạt động mà tôi chưa bao giờ biết ập đến với tôi. Anh đó, lúc bấy giờ đang rất sôi sục ý định làm giàu, anh ngủ không được vì những ý tưởng điên rồ đó. Anh nghỉ học, lao vào kinh doanh, anh thuyết phục bọn tôi tham gia với anh ấy, anh dẫn bọn tôi tham gia các lớp học kỹ năng, làm cộng tác viên trong những buổi hội thảo. Tôi là một thành viên tích cực và có đầy ắp động lực.
Đó là khoảng thời gian mà tôi tập luyện kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, cách tạo động lực cho bản thân. Tôi bắt đầu yêu thích các hoạt động xã hội hơn, tập trung vào những kỹ năng mềm nhiều hơn và giảm bớt tầm quan trọng của việc học.
Mặc dù sau một thời gian, anh đó gặp nhiều thất bại và chúng tôi không còn ở chung nữa. Nhưng phải thừa nhận rằng từ lúc đó, định hướng của tôi rõ ràng hơn và tôi biết sống hơn. Tôi biết tôi đang là con người mà xưa kia tôi muốn trở thành.
Sau khoảng thời gian này, tôi tiếp tục tham gia vào Ban đại diện sinh viên KTX Đại học Bách khoa Đà Nẵng. tôi chơi khá thân với anh đội trưởng vì hai anh em có khá nhiều điểm chung. Và làm việc với anh, tôi luôn nhận được những lời khuyên bổ ích. Đây cũng chính là nơi tôi trở thành người tổ chức chức chương trình, đó là Robocon miền Trung 2013, đó là văn nghệ chào năm mới Hội Xuân KTX. Một khoảng thời gian sống hết mình.
Trước khi bắt đầu thực tập, tôi muốn đi theo animation. Đó là một niềm vui và cũng là nơi tôi ấp ủ ước mơ làm phim hoạt hình. Tôi nhớ khoảng thời gian trước đó vài năm, tôi ngày đêm làm animation và motion. Tôi hay vẽ bậy, tôi nhìn đâu cũng thấy animation, tôi hay cầm chiếc máy ảnh du lịch đi làm phim (chèn link), tôi làm stopmotion,… Tuy chỉ là những clip ngắn ngủn nhưng nó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Tuy nhiên tôi phát hiện ra rằng, tôi không có đủ điều kiện để phát triễn kỹ năng (đây cũng có thể là một lý do biện hộ vì đã không dám thực hiện ước mơ). Vào lúc này, tôi được gặp chị đồng sáng lập của Code Engine, một UX designer. Và lúc này, tôi nghĩ tôi thích hợp hơn với một con đường khác, “thiết kế”.
Hè năm 5, thực tập tại Code Engine Studio, hướng đi thay đổi, nhưng đó là một định hướng đúng.
“Thiết kế”, đó là cụm từ mà khi nghĩ đến, mọi người sẽ nghĩ đến những bức tranh đầy suy nghĩ, những nhân vật cá tính,… Nhưng đó không phải là thiết kế, chính xác hơn, đó là nghệ thuật, và người làm ra những điều đó là những nghệ sĩ.
Designer, không như artist, là những người giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Có rất nhiều vấn đề nên cũng sẽ có rất nhiều kiểu của designer, UX designer là một kiểu, là những người sẽ làm cho những sản phẩm trở nên có ích, dễ sử dụng và engaging (làm cho người dùng hạnh phúc sau khi sử dụng).
Đó là những điều tôi học được trong thời gian thực tập.
Có thể tôi là một trong những người may mắn khi được đi cùng công ty trong những ngày đầu thành lập, từ lúc chúng tôi chỉ có khoảng 11 người tất cả. Chính vì thế, tôi được làm việc trực tiếp với những người đầy kinh nghiệm và nhận được rất nhiều bài học bổ ích. Đó không chỉ là trong công việc, kỹ năng mà còn là cách suy nghĩ và đối xử với mọi người…
Không biết rồi mình sẽ như thế nào trong tương lai…
Nhận bài viết mới nhất qua email hằng tuần để trở thành UI/UX & Product Designer tốt hơn.