🙋 Mình làm UX Design - Hả, là làm gì?
Khi người ta hỏi về công việc của mình, mình luôn trả lời khá hời hợt vì mình nghĩ người ta sẽ không hiểu, vì nó khá lạ lẫm. Nhưng phải biết là người ta không hiểu là do mình truyền đạt không tốt. Là một UX designer mà để như vậy thì thật tệ!
Vậy nên mấy hôm nay mình suy nghĩ khá nhiều để giải thích công việc của mình thật dễ hiểu. Đây cũng là một cách để luyện tập kỹ năng truyền đạt.
Hai tháng trước, mình có post một câu hỏi tương tự trong group Vietnam UX/UI designers, và phát hiện ra rằng đây không phải là vấn đề của riêng mình. Nhiều anh chị khác cũng như vậy, rất khó giải thích với người khác. Có một vài comment buồn cười:
Remove friction and enhance experience - “Bôi trơn & tăng khoái cảm”
Khi mình nói mình là designer:
Cái này dễ ấy mà, thằng abc nó làm có tý là xong.
Ồ vậy hả (* gật gù gật gù), hôm nào rảnh qua xem giúp anh cái máy nhé. Vi rút quá.
Mỗi người vào một website hay dùng một app đều có một mục đích nhất định. Bạn dùng Messenger để trò chuyện với những đứa bạn thân, bạn vào Leflair để mua một chiếc đồng hồ DW với giá ưu đãi để tặng cho người yêu, bạn dùng Gmail để gửi CV tới nhà tuyển dụng cho một công việc mới.
Mỗi người đến với một website với mục đích cụ thể. Công việc của mình là xây dựng website đó sao cho bạn đạt được mục đích của mình dễ dàng nhất.
Nếu là một UX designer của Messenger, làm bạn hài lòng khi chat với bạn bè công việc mình. Đó là mục đích của các emoji, hình gif, cái vãy tay ✋ cho lần đầu tiên chat.
Là một app chat khá mở nhưng quyền riêng tư của bạn trước người lạ là một vấn đề thực tế, không thể bất cứ ai cũng có thể chạy tới nói chuyện với bạn được, trừ khi bạn muốn nói chuyện với người đó. Đó là lý do tin nhắn từ những người lạ trên Messenger được cho vào một trang riêng, và cuộc trò chuyện chỉ bắt đầu khi bạn cho phép. Hiểu được những nhu cầu như vậy là công việc của những người làm UX.
Nếu là Leflair, mình sẽ thiết kế trang này sao cho bạn tìm được một chiếc đồng hồ DW ưng ý nhất, bạn mua hàng dễ dàng mặc dù không quá rành về thanh toán online. Và khi nhận kiện hàng từ Leflair giao đến, bạn mỉm cười khi chiếc WD bạn mua được bọc trong một chiếc hộp đẹp kèm một thông điệp tâm huyết. Đó là trải nghiệm của bạn với Leflair.
Nếu là một UX designer của Gmail, thì… bạn hiểu ý mình rồi đó.
Tuy nhiên, để có một trải nghiệm tốt thì việc này không thể do một người làm, đó là công việc của cả team, thậm chí cả công ty. Đó là công việc từ những phòng ban khác nhau, phòng chăm sóc khách hàng, nhà kho, nhóm chuyển hàng, đội sale, marketing, tech, design,… mỗi nhóm đều có một tác động cụ thể đến trải nghiệm của người dùng.
Vì lý do đó nên UX Designer có rất nhiều xuất thân khác nhau, trước đây họ có thể là một người làm marketing, chăm sóc khách hàng, người bán hàng, một kỹ sư,… Nhưng họ đều đến với công việc này với cùng một quan niệm, rằng hiểu người dùng là chìa khóa để có một sản phẩm tốt.
Trải nghiệm đến từ rất nhiều khía cạnh khác nhau.
À mà mình nghe khi xưa một đứa nói mình làm lập trình viên thì ai cũng nghĩ một lúc rồi hỏi lại “là nghề gì” thì phải. Giờ chắc ai cũng biết mấy người đó làm gì nhỉ. Vậy thì thời gian sẽ trả lời tất cả đúng không!
Nhận bài viết mới nhất qua email hằng tuần để trở thành UI/UX & Product Designer tốt hơn.