🇸🇬 Làm thế nào để xin được việc Product Designer ở Singapore?
7 tháng.
Đó là khoảng thời gian mình dành ra để tìm được một công việc về product design ở Singapore. Một khoảng thời gian dài thật sự để tìm một công việc mới.
Nhờ vào sự kiên trì và mong ước mãnh liệt trong việc tìm thử thách mới. Cuối cùng cũng có một chỗ cũng chấp nhận mình và cũng chính là công ty mình đang làm hiện tại.
Tìm được một công việc về product design ở Singapore thật sự là rất khó đối với mình. Đó là một chuỗi ngày dài tìm job, nạp CV với không hồi đáp từ nhà tuyển dụng. Và khi có hồi đáp thì hầu hết mình bị loại ngay từ vòng giữ xe.
Quay về lúc 4 năm về trước khi bắt đầu tìm job ở Singapore. Kinh nghiệm của mình là 2 năm làm việc ở một công ty outsource, và 1 năm rưỡi làm trong một startup về ecommerce.
Những bài học từ những lần phỏng vấn thất bại giúp mình tích lũy được kha khá kinh nghiệm. Mình ước nếu có ai đó chia sẻ thì có lẽ thời gian tìm việc sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Chính vì thế, mình muốn chia sẻ kinh nghiệm mình học được cho những ai đang dự định tìm kiếm một công việc về design ở Singapore.
Thị trường công việc product design ở Singapore
Singapore đang trên đường trở thành hub tech của châu Á. Không chỉ thu hút những công ty lớn như Apple, Google, Shopify,… đến những startup từ Việt Nam qua đăng ký mở văn phòng tại Singapore.
Chính về thế nhu cầu nhân lực cho tech là rất lớn: PM, Software engineer, Data Analyst, Product Design,…
Software Engineer là những người đang được săn đón nhiều nhất không chỉ ở riêng Singapore và còn trên toàn thế giới. Riêng Singapore là điểm đến lý tưởng với mức lương cao và nhiều lựa chọn.
Product Designer cũng vậy.
Theo như những gì mình biết được từ những người bạn làm product design ở Singapore, cứ khi đến mùa tuyển dụng (tầm từ tháng 2 đến tháng 4), mỗi tuần đều có rất nhiều lời mời phỏng vấn được gửi đến. Nhu cầu tuyển rất là nhiều, nhưng số lượng người làm product design cũng khá ít nên product designer cũng được săn đón rất rộn ràng.
Khi bạn đã nhận được offer, thì hầu hết các công ty bên Singapore sẽ hỗ trợ phần relocation: hỗ trợ tiền vé máy bay, khách sạn ở trong vòng 1 tháng, tiền lương một tháng để ổn định cuộc sống,…
Bạn có thể về mức thu nhập của Product Designer ở Việt Nam và Singapore ở bài viết trước của mình:
Nếu bạn đang tìm một thử thách mới với mức lương cao, Singapore là một điểm đến lý tưởng.
Vậy bạn cần gì để để tìm được một công việc bên Singapore?
Hay ít nhất là cơ hội của bạn sẽ cao hơn và ít tốn thời gian hơn mình.
Tiếng Anh
Đó là ngôn ngữ các công ty bên Singapore sử dụng để làm việc. Nên tiếng Anh là một điều bắt buộc. Chúng ta cần tiếng Anh để phỏng vấn, để trình bày portfolio, để giải thích thiết kế,…
Tuy nhiên level của bạn không cần phải xuất sắc mới có thể tìm được việc. Tiếng Anh tốt sẽ là một lợi thế lớn trong phỏng vấn và trong công việc sau này. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để giao tiếp. Nên tiếng Anh của bạn ở mức giao tiếp cũng là đủ để bắt đầu.
Và thực ra tiếng Anh của người Singapore cũng không có chuẩn lắm. Họ nói khá nhanh và có một âm điệu riêng, nên người ta hay gọi đó là Singlish.
Mỗi quốc gia khi nói ngoại ngữ đều có giọng điệu đặc trưng của mình. Nên hãy tự tin nói với giọng điệu của mình. Người Singapore đã quen với nhiều giọng điệu từ nhiều quốc gia khác nhau.
Kỹ năng
Nếu ngoại ngữ không phải là điểm mạnh của bạn thì kỹ năng và kinh nghiệm thiết kế có thể bù vào.
Nếu bạn là một Senior Product Designer thì khả năng nhận được offer sẽ cao hơn. Vì các công ty bên Singapore cần những người lành nghề và có kinh nghiệm.
Với junior thì sẽ khó khăn hơn một chút. Nhưng vẫn hoàn toàn có thể. Mình cũng là một junior khi phỏng vấn đấy thôi.
Các công ty bên Singapore thường đòi hỏi làm end-to-end. Từ user research, product thinking, wireframe, flow, UI, prototype đến visual. Đặc biệt là user research.
Bạn không nhất thiết phải là một chuyên gia về user research. Những kỹ năng căn bản về research như usability test, user interview với scope nhỏ là đủ.
Với riêng mình thì user research là phần mình thiếu nhất khi phỏng vấn. Nên nếu quay lại những ngày đầu tìm việc, mình sẽ dành thời gian để rèn luyện kỹ năng này hơn. Mặc dù đó không phải là phần việc yêu thích của mình.
Tự tin
Tự tin sẽ cho chúng ta sự dũng cảm để nói với mọi người rằng tại sao chúng ta xứng đáng, tạo sao nên tin vào thiết kế của mình, và họ sẽ mất gì khi mà không làm việc cùng chúng ta.
Đặc biệt trong quá trình phỏng vấn, sự tự tin là vô cùng quan trọng. Đối với những người tuyển dụng, mặc dù kỹ năng của chúng ta có tốt đến chừng nào, mà sự tự tin không có thì khó mà làm việc với những người khác trong team. Nên khả năng cao là bạn sẽ bị từ chối.
Công việc của product designer là design. Nhưng chúng ta cần phải thuyết phục những người khác tin vào design của mình. Sự tự tin sẽ giúp chúng ta đáng tin hơn.
Đây là điều mà ở trường kỹ thuật chúng ta rất ít được dạy (mình không biết trường thiết kế thì như thế nào vì mình chưa thử). Nên khi đi làm, chúng ta thường bị lép vế và những ý kiến của chúng ta thường bị chìm nghỉm giữa sự tự tin của những người khác đến từ mảng business hoặc marketing.
Chính vì thế, Tự Tin nên là một môn học nên đưa vào các trường kỹ thuật và thiết kế để dạy. Và chúng ta phải rèn luyện nó như một kỹ năng bắt buộc.
“Fake it till you make it” dễ nói nhưng khó làm. Nhưng nếu bạn không tự tin vào thiết kế của mình thì ai?
Kiên trì
Đây là một đức tính mình rất thích. Và cũng có lẽ là một trong những phương châm sống của mình.
Đối với những người xuất sắc trong lĩnh vực của họ, thì sẽ khá dễ dàng tìm được công việc tốt và có thể đi bất cứ đâu. Những người này thuộc top 10%.
Còn với chúng ta, những người thuộc 90% còn lại, thì sẽ cần cố gắng nhiều hơn để theo đuổi công việc mơ ước.
Mình đã luôn nghĩ mình không đủ tốt để tìm một công việc ở nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là mình đã thử và theo đuổi mục tiêu này trong một thời gian dài. Và cuối cùng mình cũng đạt được mục tiêu.
Khi đã làm một thời gian ở Singapore, thì mình cũng làm quen được kha khá người Việt làm ở đây, chủ yếu là Designer và Engineer. Mình nhận ra rằng, xét về trình độ thì sự khác biệt giữa những người làm ở Singapore và Việt Nam không quá lớn.
Nên với mình, điều quan trọng là bạn có dám thử và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình hay không.
Và mình rất đồng cảm với một episode từ podcast của Hieu.TV—Cặm cụi.
‘Mình chỉ cần thành công một lần là đủ.’
— Hiếu TV
Nếu bạn đã có mục tiêu trong đời, thì hãy kiên trì theo đuổi nó. Một lần không được thì hai lần, ba lần, một lẻ một lần.
Vũ trụ sẽ sẽ đáp lại những người ‘play the game long enough’.
Bạn có đang tìm kiếm một thử thách ở một nước khác không? Singapore có thể là một lựa chọn tốt.
Nếu bạn còn những câu hỏi khác, thì email cho mình hoặc reply newsletter mà mình gửi mỗi thứ 7 hằng tuần nhé. Mình rất thích ngồi đọc và trao đổi qua email.
Nhận bài viết mới nhất qua email hằng tuần để trở thành UI/UX & Product Designer tốt hơn.